Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu phát triển
Văn phòng khoa Luật thông báo về việc tổ chức chương trình chiếu phim và Tọa đàm "Một xã hội vị tha đang tiến bước?", cụ thể như sau:
1. Thời gian: Thứ Sáu, ngày 13/10/2017, lúc 14g00.
2. Địa điểm: Lầu 6, Phòng 601, Số 97 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM
3. Khách mời tọa đàm:
- TS. Bùi Trân Phượng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen Tp.HCM
- TS. Lê Vinh Quốc, Nhà giáo ưu tú - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM
- PGS.TS. Lê Bảo Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Tp.HCM
Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi - Giám đốc chương trình Giáo Dục Tổng Quát - Trường Đại học Hoa Sen Tp.HCM.
4. Nội dung:
Tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, "lòng vị tha" thường được gói gọn trong tôn giáo hoặc gia đình. Từ vài năm nay những nhà khoa học uy tín quốc tế bắt đầu đưa nó vượt ra khỏi khuôn khổ trên để đi đến nhà trường và khắp nơi trong xã hội. Hai tác giả người Pháp, Sylvie Gilman và Thierry de Lestrade đã làm khảo sát nghiên cứu tại những trường đại học nghiêm túc nhất trên thế giới, từ Havard, Stanford, Yale, Chicago, Delaware, Kansas, Wiscosin, Emory tại Mỹ đến Max Planck Institut ở Leipzig, Đức. Mọi nghiên cứu đều có cùng kết luận: lòng vị tha của con người luôn hiện hữu; nó được biểu hiện từ rất sớm, từ vài tháng tuổi trong cuộc đời.
Kết luận trên làm bật gốc cơ sở lý luận Kinh tế học Vi Mô là môn căn bản trong ngành kinh tế, làm lung lay tư duy "tối ưu hóa" lợi nhuận hoặc năng suất như mục tiêu trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Quan trọng hơn, những nghiên cứu ấy không dừng lại ở bàn giấy hoặc bài báo khoa học mà được chuyển thành chương trình giao huấn, thực hành - trong đó Thiền được xem là một công cụ hữu hiệu để hoán chuyển cảm xúc tiêu cực thành tích cực và vun trồng lòng vị tha - tại nhiều trường công lập và cơ sở giáo dục đặc biệt ở nhiều quốc gia phát triển.
Thế giới đang dấn bước Giáo Dục vào con đường xây dựng một xã hội vị tha, xem đây là giải pháp của sự bế tắt, là mệnh lệnh của thời đại. Vậy đã đến lúc giáo dục Việt Nam phải đồng hành với xu thế tiến bộ này chưa? Nếu đã đến lúc cấp bách thì làm thế nào để chúng ta thực hiện nó?
Sinh viên đăng ký tham dự theo đường dẫn tại đây
VĂN PHÒNG KHOA LUẬT