Đoàn thể

Một số bức thư, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc

Ngày đăng: 10/05/2018

Nguồn: Ban Quản lý Lăng Hồ Chủ tịch

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, trải qua những thăng trầm của lịch sử, thực tiễn cách mạng đã chứng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua yêu nước Việt Nam.

Người đã từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, chính quan điểm, tư tưởng tiến bộ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động cách mạng của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ và nhân dân cả nước hăng hái, phấn đấu thi đua lao động, học tập và cống hiến trong công cuộc phát triển đất nước. Trải qua hơn sáu thập kỷ kể từ ngày Người viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11-6-1948) cho đến khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã có rất nhiều bức thư, bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013), chúng ta cùng đọc lại một số bài nói, bài viết của Người.

1. Lời kêu gọi thi đua yêu nước (Viết khoảng ngày 1-5-1948. Bản gốc lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 5, tr513).

Bai tong hop 1. Loi keu goi thi dua yeu nuoc

Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1948.  

(TTLTQG III, P. Phủ Thủ tướng,Hồ sơ 130, tờ 01). Ảnh internet

Cùng toàn thể đồng bào yêu quý,

Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai.

Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau.

Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất.

Như thế thì:

Kháng chiến nhất định thắng lợi,

Kiến quốc nhất định thành công,                        

                                                                             Hồ Chí Minh

          2. Lời kêu gọi thi đua ái quốc (Viết ngày 11-6-1948, Báo Cứu quốc, chi nhánh số 6, số 968, ngày 24-6-1948) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 5, tr556).

Mục đích thi đua ái quốc là:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân.

Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau :

Làm cho mau,

Làm cho tốt,

Làm cho nhiều.

Mỗi người dân Việt Nam , bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu:

Toàn dân kháng chiến,

Toàn diện kháng chiến.

Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta:

Vừa kháng chiến,

Vừa kiến quốc.

Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là:

Toàn dân đủ ăn đủ mặc,

Toàn dân biết đọc, biết viết,

Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm,

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.

Thế là chúng ta thực hiện:

Dân tộc độc lập,

Dân quyền tự do,

Dân sinh hạnh phúc,

Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.

Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin:

Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,

Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.

Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.

Hỡi toàn thể đồng bào,

Hỡi toàn thể chiến sĩ,

Tiến lên!

HỒ CHÍ MINH

 

          3. Thư gửi Hội nghị thi đua ái quốc (Bản đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 6, tr134).

Gửi Hội nghị Thi đua ái quốc,

Các vị đại biểu,

Tôi gửi lời thân ái chúc Hội nghị có kết quả tốt. Sau đây là vài ý kiến của tôi đối với phong trào thi đua ái quốc, để giúp cho các đại biểu thảo luận:

Phong trào khá cao và rộng, bộ đội, đoàn thể, cơ quan và nhân dân hăng hái. Nhiều đơn vị đã có kết quả khá. Nhưng:

- Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng.

- Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm.

Vậy tôi rất mong Hội nghị tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy, và mỗi một cán bộ, mỗi một đồng bào, mỗi một ngành đều ra sức thiết thực thi đua với tinh thần chuẩn bị tổng phản công. Như vậy, thì thi đua nhất định thành công.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 6 năm 1949

Hồ CHí MINH

 

4. Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công (Báo Sự thật, số 116, ngày 1-8-1949) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 6, tr167).

Mấy lâu nay, vì bận việc kháng chiến, tôi ít có dịp nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ. Vậy hôm nay, lời đầu tiên là tôi thân ái hỏi thăm:

Các vị phụ lão,

Các vị thân sĩ,

Các anh em cán bộ chính trị, hành chính và chuyên môn,

Đồng bào trong nước, ngoài nước, và trong vùng tạm bị chiếm,

Các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi thân ái hỏi thăm:

Toàn thể tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích,

Các anh chị em công nhân ở các xưởng máy quốc phòng.

Hôm nay là ngày phát động Thi đua ái quốc tiếp theo kỳ trước, cho nên tôi chỉ nói chuyện thi đua.

Từ ngày Cách mạng Tháng Tám, thế giới đã ngạc nhiên và kính phục dân tộc ta vì ba điều:

Điều thứ nhất là ta đã cách mạng thành công, đã phá tan xiềng xích thực dân, đã đánh đổ chế độ phong kiến, đã lập nền dân chủ cộng hoà.

Điều thứ hai là ta chẳng những có sức kháng chiến mà lại chắc chắn kháng chiến thắng lợi.

Điều thứ ba là ta vừa kháng chiến vừa thi đua ái quốc.

Ta bắt đầu thi đua từ tháng 6 năm ngoái. Cuộc thi đua nhằm ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.

Mặc dầu thiếu phương tiện, thiếu kinh nghiệm và bị giặc Pháp tìm mọi cách để phá hoại, ta vẫn lượm được nhiều kết quả tốt sau một năm thi đua.

- Vì đồng bào ra sức thi đua tăng gia sản xuất, cho nên dân ta dù có chật vật ít nhiều, nhưng vẫn tránh khỏi nạn đói. Trong thời kỳ chiến tranh các nước còn chật vật hơn ta.

- Vì đồng bào hăng hái ủng hộ, và các chiến sĩ bình dân học vụ tận tuỵ, mà đã mấy tỉnh như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Thái Bình đã diệt xong giặc dốt. Các tỉnh khác thì đang ra sức theo cho kịp các tỉnh trên. Đó là một thành tích vẻ vang, nếu chúng ta nhớ rằng dưới chế độ thực dân, năm 1941 chỉ có non nửa triệu trẻ con ta được đi học.

- Nhờ toàn dân ra sức ủng hộ, và bộ đội cùng dân quân du kích ta dũng cảm và nhờ anh chị em công nhân ta ra sức chế tạo vũ khí, mà từ Nam đến Bắc ta đã thắng nhiều trận vẻ vang. Chính bọn thực dân cũng phải nhận rằng quân đội ta rất tiến bộ và quân đội Pháp không thể nào thắng được ta.

- Ngoài ba việc chính ấy, đồng bào ta còn thi đua nhiều mặt khác và thành tích cũng không kém vẻ vang. Đây tôi chỉ nhắc vài thí dụ:

Các đoàn thể và cá nhân thì thi đua đỡ đầu bộ đội và dân quân. Như tỉnh Hà Tĩnh đã quyên giúp hàng mấy chục triệu.

Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ.

Nhân dân thì thi đua mua công phiếu kháng chiến, thi đua góp đảm phụ kháng chiến và nộp thuế. Riêng chị em phụ nữ cũng thi đua góp phần đảm phụ kháng chiến, dù được Chính phủ miễn góp.

Các đồng bào điền chủ thì thi đua giảm địa tô, có người giảm đến 50 phần 100, và thi đua quyên ruộng, có người quyên từ năm sáu trăm đến hơn 2000 mẫu.

Các cụ phụ lão và chị em phụ nữ thì thi đua tổ chức đội du kích.

Các cháu thanh niên thì thi đua tòng quân.

Cán bộ trong các cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn.

Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi công việc. Có nhiều cháu đã gửi tiền nhờ tôi góp vào quỹ kháng chiến.

Kiều bào ở nước ngoài và đồng bào trong vùng tạm bị chiếm cũng đều tuỳ hoàn cảnh mà thi đua.

Nói tóm lại: Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua, và đều có thành tích. Nhân dịp này tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn và khen ngợi đồng bào và chiến sĩ.

Vì nhiều thành tích cho nên chúng ta càng thấy rõ nhiều khuyết điểm. Tôi nêu ra đây những khuyết điểm chính để chúng ta cùng nhau sửa chữa:

Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc. Do đó mà có những khuyết điểm như sau:

- Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm.

Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn.

Mọi việc đều thi đua như vậy.

- Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương.

Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi.

Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được.

Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào.

Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau.

Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã. Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực.

Đó là những khuyết điểm chính mà chúng ta phải sửa chữa và quyết sửa chữa được. Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc thế nào. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được.

Hiện nay, kháng chiến đã đến thời kỳ đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, thì phong trào Thi đua ái quốc cũng phải nhằm vào mục đích ấy. Vì vậy, chương trình thi đua trong giai đoạn này vẫn là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Nhưng tiến lên một bước mạnh hơn.

Về văn hoá, những nơi đã diệt xong nạn mù chữ thì phải thi đua học thêm nữa.

Những nơi khác thì phải thi đua diệt cho xong nạn mù chữ.

Các nhà văn nghệ thì thi đua sáng tác. Các nhà chuyên môn thì thi đua phát minh.

Về kinh tế, thì thi đua làm cho dân và quân đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng, để đánh giặc.

Về quân sự, Vệ quốc quân và dân quân du kích thì thi đua rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội. Các công xưởng thì thi đua chế tạo vũ khí cho nhiều, cho mau, cho tốt.

Ngoài ra, tất cả mọi việc ích lợi cho dân sinh quốc kế, quan hệ với kháng chiến kiến quốc, ta đều phải thi đua. Thi đua phải là toàn dân, toàn diện.

Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính.

Khẩu hiệu Thi đua ái quốc, hiện nay là: Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta.

Tôi chắc rằng với kinh nghiệm thi đua năm vừa qua, với lòng hăng hái của đồng bào và chiến sĩ, với hồng phúc của Tổ quốc, Thi đua ái quốc nhất định thành công to, cũng như trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi to.

Mong toàn thể đồng bào và chiến sĩ cố gắng lên!

Đồng bào và chiến sĩ lại phải nhớ rằng: Trong mùa Xuân vừa qua giặc Pháp bị ta đánh bại nhiều trận. Âm mưu chúng dùng bọn bù nhìn để lừa gạt đồng bào ta cũng thất bại. Cho nên Thu Đông này, chúng ra sức thu góp lực lượng, mở những cuộc tấn công mạo hiểm và bất thình lình; chúng mong dùng quân sự để giải quyết nguy cơ của chúng. Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước. Tôi thường nói: Càng gần thắng lợi thì càng nhiều khó khăn. Tôi mong toàn thể đồng bào và chiến sĩ hăng hái thi đua vượt qua mọi sự khó khăn, để mà tranh lấy thắng lợi.

Nước ta sẽ độc lập và thống nhất thật sự.

Dân ta sẽ no ấm và giàu mạnh thật sự.

 

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

 

          5. Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất (Báo Cứu quốc, số 1488, ngày 6-3-1950) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 6, tr324).

Cùng đồng bào toàn quốc,

Năm nay là năm chuyển mạnh sang tổng phản công, bộ đội và nhân dân sẽ cần nhiều lúa thóc, hoa màu, thịt cá, bông vải.

Năm nay cũng là năm mà giặc đánh thua cố phá hoại tài sản mùa màng của ta nhiều hơn.

Vậy trong lúc ở mặt trận, bộ đội và dân quân hăng hái đánh giặc để chuyển mạnh sang tổng phản công, đồng bào ở hậu phương có nhiệm vụ:

1. Thi đua tăng gia sản xuất; chăn nuôi thêm súc vật, giồng thêm nhiều thóc lúa, hoa màu, bông, rau. Trai, gái, già, trẻ, mỗi người đều phải cố gắng, người đã tăng gia sản xuất sẽ tăng gia sản xuất nhiều hơn, người chưa tăng gia sản xuất sẽ phải tăng gia sản xuất. Chúng ta quyết thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác.

2. Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu.

Làm hai việc trên là góp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công.

Tôi mong đồng bào cố gắng.

Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 1 tháng 3 năm 1950
HỒ CHÍ MINH

 

          6. Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta (Báo Nhân Dân, số 15, ngày 5-7-1951) -  (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 7, tr108)

       Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do.

Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thì thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thì thi đua tăng gia sản xuất.

Sau một thời kỳ tìm tòi và chuẩn bị, và mặc dầu gặp nhiều khó khăn, thi đua ái quốc của ta đã có kết quả đầu tiên. Kết quả tuy còn nhỏ, nhưng nó như con én báo hiệu mùa xuân. Nó là cái đà cho kết quả to lớn sau này.

Về bộ đội, thi đua đã đem lại những trận thắng lợi ở Biên giới, ở Trung du, ở Bình Trị Thiên, ở Liên khu III, v.v..

Về nông nghiệp, thi đua đã làm cho đồng bào ta tránh khỏi nạn đói. Ta đã có những chiến sĩ nông nghiệp kiểu mẫu.

Về công nghiệp, thì trong đợt thi đua để chúc thọ Hồ Chủ tịch, mừng Mặt trận Liên - Việt và Đảng Lao động Việt Nam (đợt đầu của phong trào thi đua sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ), anh chị em công nhân đã đạt được nhiều thành tích. Những thành tích đó, xem qua có vẻ khô khan, nhưng xem kỹ thì rất thú vị. Như một cái vườn mênh mông, tươi tốt, mới có một vài nụ hoa chớm nở, song chắc rồi đây vườn sẽ khai hoa kết quả đầy cả góc trời.

Trong 19 xí nghiệp, năng suất chung đã tăng từ 11,35% đến 80%. Riêng từng ban, thì có ban tăng đến 260%. Tính từng người, thì có người tăng đến 290%.

Theo lời anh chị em công nhân, sở dĩ được như vậy là:

- Nhờ có kế hoạch thiết thực và có kiểm điểm hằng ngày, phê bình và bổ khuyết kịp thời.

- Vì cố gắng, biết xếp đặt công việc ngăn nắp, chịu khó tìm tòi, có sáng kiến.

Những điều đó, cố gắng làm thì được, chứ đâu phải như chuyện “đội đá vá trời”. Dưới đây, xin kể vài thí dụ:

Anh Nguyễn Khắc Chỉnh, biết xếp lại nồi hơi, công việc đã dễ dàng hơn, mỗi ngày lại tiết kiệm được 200 cân than.

Anh Hồ Bá Cương, dùng cào sắt thay cào gỗ, mỗi ngày tiết kiệm được 15 cân vôi.

Anh Đỗ Văn Trị, thợ rèn, biết cách sắp đặt, công việc cả ban khi trước phải làm 32 giờ, nay chỉ cần 12 giờ.

Chị Hạnh, thợ giấy, biết hợp lý hoá việc xeo giấy, trước kia 5 động tác, nay chỉ cần 3, trước kia một ngày được 700 tờ, nay được 1.594 tờ.

Xưởng dệt Độc lập, ban mắc, trước kia một ngày được 216 thước, nay được 318 thước.

Ban cắt xưởng quân nhu, nhờ tính toán kỹ lưỡng, dôi được bốn phần trăm vải cho bộ đội.

Nói tóm lại: Vì sự cố gắng của các nam nữ chiến sĩ lao động, mà tiết kiệm được vật liệu, tiết kiệm được thời giờ, đỡ được khó nhọc, đồng thời sản xuất được nhiều lương thực, nhiều súng ống, nhiều vải, nhiều giấy cho bộ đội và nhân dân. Đó chẳng phải là hiện tại và tương lai tốt đẹp ư?

Nếu mọi người đều cố gắng thi đua, thì công việc tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sẽ mau đến ngày hoàn toàn thắng lợi.

Trong phong trào thi đua này, anh em công chức, giáo viên, học sinh các nơi như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, v.v., đều hăng hái tham gia việc sửa đường, đào kênh và đã có thành tích khá. Thế là trí thức lao động hoá. Đó là một điều đáng khen ngợi và nên khuyến khích cho phát triển thêm.

Trong thành công, ta vẫn thấy còn khuyết điểm. Những khuyết điểm chính là:

Hướng dẫn thiếu thống nhất.

Chương trình còn nhiều nơi chưa sát.

Kế hoạch thiếu chu đáo, tỉ mỉ.

Biết làm nhanh, nhưng chưa biết làm tốt.

Thi đua nơi thì thiếu bền bỉ, nơi thì làm quá sức, nơi thì chưa tự động.

Đó là vì tư tưởng thi đua chưa thấm nhuần, thấu suốt mọi người, vì cán bộ giải thích kém.

Chúng ta phải sửa chữa ngay những khuyết điểm ấy, để đẩy phong trào thi đua lên cao hơn nữa, rộng khắp hơn nữa, và đạt những kết quả to lớn và tốt đẹp hơn nữa.

C.B.

 

7. Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc (Báo Nhân Dân, số 22, ngày 23-8-1951) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 7, tr145)

Thân ái gửi các cháu thanh niên cả nước,

Từ hôm 19-5 đến nay, Bác liên tiếp nhận được thư của các cháu.

Những thư ấy, hoặc là của từng nhóm như bộ đội, nhà máy, trường học, cơ quan..., hoặc là riêng của từng cháu.

Nếu trả lời riêng cho mỗi nhóm, mỗi cháu, như ý muốn của Bác, mà cũng là ý muốn của các cháu, thì Bác phải có hàng trăm thư ký giúp, và hàng chục tạ giấy! Vì chính sách tiết kiệm nên Bác trả lời các cháu bằng một thư chung này.

Trong thư, các cháu đều báo cáo thành tích thi đua ái quốc. Bác rất vui lòng vì, hoặc nhiều hoặc ít, cháu nào cũng có thành tích. Thí dụ:

Cháu Nguyễn Thị Thành, xưởng X.P. (Công đoàn Lê Hồng Phong), tăng năng suất 330 phần trăm.

Cháu Nguyễn Thị Giao Tiên, xưởng X.B. (Công đoàn Bông Lau), tăng năng suất hơn 200 phần trăm.

Cháu Nguyễn Hữu Bắc, Trung đoàn X., được bầu làm chiến sĩ anh hùng (24 tuổi, bị thương bốn lần, được khen thưởng 6 lần).

Còn nhiều, nhiều cháu có thành tích khác, Bác không thể kể hết. Lại có những thành tích chung, như các cháu học sinh các trường đã thi đua tham gia việc sửa đường, công trái, bình dân học vụ; hoặc như các cháu thanh niên xung phong hăng hái giúp việc các chiến dịch, vận tải, sửa đường, v.v.. Nói tóm lại, các cháu đã thi đua khá. Đó là ưu điểm đáng khen.

Song nói chung, các cháu vẫn còn nhiều khuyết điểm trong thi đua. Để sửa chữa những khuyết điểm ấy, để tranh lấy những thành tích to lớn, Bác giúp các cháu vài ý kiến sau đây:

1. Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước.

2. Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động.

3. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất "đại khái", quá cao, phiền phức, miễn cưỡng.

4. Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hoà 3 nhiệm vụ với nhau: Tăng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập (chính trị, văn hoá, tình hình trong nước và thế giới).

5. Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi.

6. Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua.

7. Thi đua phải lâu dài  rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Vì vậy, trong thi đua, chúng ta phải đồng thời bồi bổ lực lượng và tinh thần của quần chúng.

Đó là mấy điểm chính. Nếu các cháu làm đúng như vậy, thì chắc các cháu sẽ có thành tích to hơn, nhiều hơn nữa.

Bác mong các cháu nghiên cứu kỹ những điểm đó, rồi báo cáo kết quả cho Bác biết.

Về thanh niên nông dân, phải đặc biệt cố gắng trong vụ mùa thắng lợi. Riêng về thanh niên trong bộ đội, Bác mong các tiểu đoàn, trung đoàn và đại đoàn trực tiếp gửi cho Bác những danh sách các chiến sĩ được bầu làm anh hùng thanh niên (trong 30 tuổi, tên tuổi và công trạng).

Bác hôn các cháu, chúc các cháu vui vẻ thi đua và lượm được nhiều thành tích vẻ vang.

Ngày 1 tháng 8 năm 1951
BÁC HỒ

8. Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (Nói ngày 1-5-1952. Báo Nhân Dân, số 57, ngày 8-5-1952) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 7 tr402)

MỤC ĐÍCH THI ĐUA

Do thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Do thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà các nước dân chủ nhân dân Đông Âu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa dân chủ mới.

Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Quân đội ta thi đua diệt giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

TÌNH HÌNH THI ĐUA MẤY NĂM VỪA QUA

Thi đua khởi đầu từ 1948.

Bộ đội: Thi đua khá, đều khắp, nhất là sau những cuộc chỉnh huấn. Kết quả rõ trong những trận thắng lợi liên tiếp trước mặt và sau lưng địch.

Công nghệ: Tinh thần, kỷ luật, tổ chức khá, sáng kiến nhiều, năng suất cao. Nhưng không đều, thiếu thường xuyên, liên tiếp. Ngành vận tải tiến chậm. Các xưởng tư thi đua kém.

Nông nghiệp : Thi đua trong vụ mùa thắng lợi khá. Đã biết thi đua từng đợt, làm tập thể. Một vài nơi đã biết đặt kế hoạch từng gia đình, từng thôn xóm. Nhưng chưa đều, chưa khắp, thiếu liên tiếp.

Lao động trí óc: Cán bộ chuyên môn thi đua khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thi đua diệt giặc dốt khá. Nhưng nói chung thì ngành văn hoá giáo dục tiến chậm.

Các cơ quan: Có chương trình, phương hướng, cố gắng. Nhưng chưa đều, chưa có nề nếp, thiếu liên tiếp.

Thanh niên: Đã xung phong trong bộ đội, dân công và công nghệ (thí dụ những đội thanh niên xung phong lao động). Nhưng ở nông thôn, thanh niên chưa làm nổi bật vai trò xung phong.

Về mặt lãnh đạo: Quân đội, công đoàn, nông hội khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều nữa. Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên chưa đi thật sát với quần chúng.

Nói tóm lại: Thi đua các ngành đều có tiến bộ hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng ngoài bộ đội, thì khuyết điểm chung là thiếu liên tiếp, rộng khắp và chưa biết gắn liền với học tập chính trị.

Từ nay, phải phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm. Những ngành thi đua đã khá thì phải cố gắng thêm. Những ngành còn kém thì phải cố gắng theo cho kịp phong trào.

NỘI DUNG THI ĐUA

Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì:

- Tăng năng suất: làm mau, làm tốt, làm nhiều.

- Ra sức tiết kiệm: nguyên liệu, vật liệu, sức lao động, thì giờ.

Tiết kiệm để giúp tăng gia. Tăng gia để thực hiện tiết kiệm. Một thí dụ: Nguyễn Đăng Đại làm giây mìn, một tháng tiết kiệm được 50 lít xăng, 14 kilô cánh kiến, 140 thước vải, một số nhân công, mà năng suất vẫn cao hơn, chất lượng vẫn tốt hơn trước.

Thi đua diệt giặc lập công thì:

- Luyện tập giỏi,

- Diệt nhiều địch,

- Khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, làm tròn nhiệm vụ.

Có người tưởng lầm bộ đội chỉ có nhiệm vụ diệt giặc lập công, không trực tiếp tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nói thế không đúng. Bộ đội đánh thắng trận, quý trọng chiến lợi phẩm, thế là tăng gia sản xuất. Bộ đội quý trọng của công, quý trọng quân trang quân dụng, thế là tiết kiệm. Còn bộ đội ở hậu phương, các ngành quân nhu, quân giới, quân y, vận tải, v.v., càng phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Trong việc sử dụng dân công, càng phải tiết kiệm để đồng bào hậu phương đủ lực lượng và ngày giờ đặng thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

CÁCH THI ĐUA

- Trong bộ đội thì phát huy quân sự dân chủ.

- Các ngành thì nâng cao kỹ thuật.

- Gom góp sáng kiến. Rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm.

Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng, v.v.. Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc.

Việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm là phận sự của quân đội, cả đoàn thanh niên, công đoàn và nông hội. Chính quyền cũng phải săn sóc giúp đỡ việc này.

Các báo chí và văn nghệ: phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc.

MỨC THI ĐUA

Mức thi đua phải tiến dần dần và tiến mãi mãi.

Những người và những nhóm hiện nay đã đạt được mức cao, thì phải làm cho chất lượng tốt hơn nữa và phải gắng tiến lên nữa. Giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo cho kịp mức cao hiện nay.

Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có hạn, nó cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cũng tiến lên mãi.

Ai thi đua với ai ? Thi đua giữa người này với người khác, đơn vị này với đơn vị khác, điều đó ai cũng hiểu. Một điều nên nhắc là: ngành này có thể và nên thi đua với những ngành khác. Thí dụ: một đơn vị nông thôn có thể thi đua với một đơn vị bộ đội và một đơn vị công nghệ. Xã A và nhà máy B ký giao ước với bộ đội C, sẽ tăng gia và tiết kiệm bao nhiêu. Bộ đội C ký giao ước diệt nhiều giặc, cướp nhiều súng. Thế là công nông binh thi đua với nhau, cùng nhau tiến bộ.

Ý NGHĨA THI ĐUA

- Thi đua là đoàn kết: Trong phong trào thi đua, chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường, v.v., đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ, đủ các hạng người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công.

Trước kia anh em trí thức thì xa lao động chân tay. Công nông binh thì ai chỉ lo việc ấy. Giữa các hạng người, các tầng lớp, cảm tình chưa được thân mật. Nay phong trào thi đua đã làm phát triển tinh thần đoàn kết giữa tất cả các tầng lớp nhân dân. Thí dụ: muốn bộ đội đủ ăn mặc, đủ vũ khí, đánh mạnh, thắng nhiều, thì trí thức thi đua phát minh sáng chế, nông dân thi đua làm nhiều lúa nhiều bông, công nhân thi đua sản xuất nhiều súng đạn. Trong lúc thi đua diệt giặc lập công, thì bộ đội luôn luôn nhớ đến đồng bào và khuyến khích lẫn nhau: diệt sạch giặc đi, để đồng bào được làm ăn yên ổn.

Thế là thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ.

Tôi muốn nhắc vài chuyện nho nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất to: Bà cụ Năm (Cao Bằng), 83 tuổi, xung phong sửa đường. Cán bộ khuyên bà cụ nghỉ, thì bà cụ nói: "Càng già càng phải giúp kháng chiến. Sửa đường để bộ đội đi cho mau, giết cho nhiều giặc, thắng cho nhiều trận ...". Cháu Nguyễn Thị Giao Tiên (ngành quân dược) khuyến khích chị em: "Chúng ta phải thi đua chuẩn bị thuốc men cho mau và cho cẩn thận, để anh em bộ đội yên tâm đánh giặc ...". Đó là những lời mộc mạc do lòng tương thân tương ái, do tinh thần đoàn kết từ đáy lòng thốt ra. Đó là những đoạn văn chương mới mẻ và tươi sáng do phong trào thi đua và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta nảy nở ra.

Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả những người lao động nước ta - bộ đội, công, nông, lao động trí óc - đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào ?

Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh.

Cho nên chúng ta nói: thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất.

Thi đua là tinh thần quốc tế: Nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác cho chúng ta nhiều kinh nghiệm thi đua. Chúng ta học nhiều kinh nghiệm thi đua ở các nước bạn, và ta sẽ cố gắng thi đua với các nước bạn để cùng các nước bạn tiến bộ. Đó là tinh thần quốc tế.

Nhân dân và báo chí các nước bạn vui mừng khi họ nghe những thành tích của phong trào thi đua của ta. Cũng như ta vui mừng khi nghe những thắng lợi trong phong trào thi đua của các nước bạn. Đó là tinh thần quốc tế.

Tinh thần quốc tế chân chính ấy tỏ rõ trong những lời nói và việc làm của các chiến sĩ thi đua. Một thí dụ: Một nhóm chiến sĩ trồng bông Trung Quốc đến thăm các chiến sĩ thợ dệt ở một nhà máy vải, rồi họ vui vẻ nói: "Chúng tôi ra sức thi đua trồng cho nhiều bông, các đồng chí thi đua dệt cho nhiều vải. Rồi chúng ta tha hồ cung cấp cho đồng bào Trung Quốc, và tha hồ giúp cho anh em Triều Tiên và Việt Nam tự lực cánh sinh".

Lại như trong số chiến sĩ thi đua của ta, có những chiến sĩ Hoa kiều. Như đồng chí Voòng Dùng Hính là một lão chiến sĩ gương mẫu, luôn luôn hăng hái thi đua; hăng hái ủng hộ kháng chiến. Đó là tinh thần quốc tế.

Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.

Thi đua là góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới. ở các nước đế quốc, không bao giờ có và không thể có phong trào thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Vì nhân dân lao động các nước ấy không dại gì mà làm lợi cho những giai cấp bóc lột họ, áp bức họ. Không thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà các nước ấy đã có hàng triệu người bị thất nghiệp. Một nước tự xưng giàu có nhất thế giới như Mỹ, đã có hơn 12 triệu công nhân thất nghiệp. Nếu thi đua thì nhân dân lao động ở các nước ấy sẽ thất nghiệp nhiều hơn nữa.

- Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm chỉ có ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước dân chủ mới khác. Thi đua diệt giặc lập công chỉ có trong các quân đội cách mạng. Vì ở nước ta và các nước bạn ta, vì trong quân đội cách mạng, nhân dân và quân đội thi đua là lợi ích cho mình, cho cả dân tộc mình. Do thi đua mà phe hoà bình và dân chủ kinh tế ngày càng thịnh vượng, lực lượng ngày càng to lớn, làm cho phe đế quốc gây chiến do Mỹ cầm đầu phải nhụt lại.

Quân và dân ta thi đua để đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Ta tiêu diệt lực lượng đế quốc Pháp và Mỹ, tức là ta thiết thực góp phần vào công cuộc giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới. Đó chính là tinh thần quốc tế của thi đua.

Thi đua cải tạo con người : Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người.

Ngoài những ý nghĩa nói ở trên, càng hăng hái thi đua thì người chiến sĩ càng phải ra sức tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật của mình. Do thi đua mà lao động trí óc gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi những người lao động chân tay, và trở nên những người trí thức hoàn toàn. Thế là phong trào thi đua đã làm cho công nông binh trí thức hoá, và trí thức thì lao động hoá.

Những chiến sĩ thi đua ắt phải là những người giàu tinh thần trách nhiệm. Thường có những người hay kể công lao, hay mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Họ hay suy nghĩ: "Ta đã làm được việc này việc nọ, nhưng kháng chiến và dân tộc đã bù đắp cho ta thế nào ?". Chiến sĩ thi đua thì không kể công, không mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Họ luôn luôn tự hỏi: "Ta đã tăng năng suất được bao nhiêu, đã làm lợi cho kháng chiến, cho dân tộc như thế nào?". Chiến sĩ thi đua lại có tinh thần vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cho nên có thể nói: chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc.

Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua.

KẾT LUẬN

Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế, v.v..

Vì vậy, nhiệm vụ của Chính phủ, của Mặt trận và các đoàn thể trong Mặt trận là phải đẩy mạnh phong trào thi đua lên cao hơn nữa và rộng khắp hơn nữa. Hiện nay, ta mới có hàng vạn chiến sĩ thi đua, từ nay chúng ta phải có hàng triệu chiến sĩ thi đua.

Nhiệm vụ của các chiến sĩ thi đua là phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi. Phải khiêm tốn và gần gũi quần chúng, phải làm gương mẫu cho quần chúng. Phải học tập chính trị, phải gắn liền tinh thần thi đua với tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế. Tuyệt đối chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa rời quần chúng. Phải luôn luôn nhớ rằng: thành tích là thành tích tập thể, anh hùng là anh hùng tập thể, chứ không phải là thành tích và anh hùng cá nhân. Đó là vinh dự chung của dân tộc, chứ không phải là vinh dự riêng của cá nhân.

Năm nay, Chính phủ và đoàn thể đã đặt kế hoạch tăng gia sản xuất và tiết kiệm, về quân sự thì có kế hoạch chỉnh huấn và tác chiến.

Chính phủ, đoàn thể, toàn thể quân và dân ta, nhất là các chiến sĩ thi đua, phải quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện cho bằng được kế hoạch ấy. Chúng ta phải cố gắng để trong Đại hội chiến sĩ năm sau, chúng ta sẽ có những thành tích to lớn và vẻ vang hơn nữa và nhiều anh hùng chiến đấu, nhiều anh hùng lao động hơn nữa. Thế là:

Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua,

Ta nhất định thắng,

Địch nhất định thua.

9. Điện gửi Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua Nam Bộ (Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 8, tr525).

          “Nhân dịp các chiến sĩ thi đua Nam Bộ họp Đại hội liên hoan, tôi thân ái chúc các đại biểu vui vẻ, mạnh khỏe, và làm việc có kết quả tốt.

          Sau đây là vài ý kiến tóm tắt để giúp Đại hội nghiên cứu:

          - Mục đích thi đua của mọi người, mọi ngành và mọi cơ quan là: Sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiết kiệm sức người, sức của, nâng cao mức sản xuất - để cải thiện đời sống của bộ đội, của nhân dân và của cán bộ; để đẩy mạnh công việc kháng chiến, kiến quốc.

          - Cách thức thi đua - Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ. Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ.

          - Quần chúng thi đua - Thi đua phải là một phong trào quần chúng rộng rãi. Các chiến sĩ phải là người kiểu mẫu, là những đầu tàu để giúp đỡ và lôi kéo những người khác cùng thi đua, cùng tiến lên. Hàng vạn người đều tăng gia sản xuất 10%, thì kết quả chung sẽ to hơn vài trăm chiến sĩ vượt mức 1.000%.

          - Kinh nghiệm thi đua - Các cơ quan lãnh đạo phải thiết thực giúp đỡ và bồi dưỡng các chiến sĩ. Phải phổ biến những kinh nghiệm và sáng kiến hay. Phải thiết thực giúp đỡ đôn đốc những người hậu tiến theo kịp những chiến sĩ tiên tiến.

- Đánh thông tư tưởng - Muốn thi đua trở nên một phong trào sâu rộng, mọi người đều hăng hái tham gia, thì cần đánh thông tư tưởng của mọi người. Phải làm cho mọi người đều hiểu rõ thi đua là ích nước lợi nhà, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.

Đại hội nên chọn lọc kỹ lưỡng, bầu cử dân chủ những chiến sĩ và những đơn vị xuất sắc nhất trong các ngành, trình lên Chính phủ, Chính phủ sẽ khen thưởng.

Chúc Đại hội thành công.

                                Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 6 năm 1954

HỒ CHÍ MINH

 

       10. Nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III (Nói ngày 23-5-1958, Báo Nhân Dân, số 1534, ngày 25-5-1958) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 11, tr414).

 

Dưới ách đế quốc và phong kiến, cuộc sống của nông dân chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, mà đói vẫn hoàn đói, khổ vẫn hoàn khổ. Nay nông dân lao động đã được chia ruộng đất, đã làm chủ nông thôn, đời sống đã được cải thiện, nhưng chưa đủ. Thế thì phải làm thế nào?

Phải tổ chức nhau lại. Có tổ chức để tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì của cải chúng ta ngày càng nhiều, đời sống càng được cải thiện. Phải tổ chức để thi đua, thi đua để tăng gia sản xuất và phải biết tiết kiệm, sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống.

Muốn sản xuất tốt, phải chú ý đến: nhất nước, nhì phân, tam cần và tứ là cải tiến kỹ thuật. Trước hết chú ý đến nước là đúng, vì xứ ta hầu như năm nào cũng bị hạn, bị lụt, vì vậy chúng ta phải bắt buộc nước phục vụ nông nghiệp. Việc này chúng ta đã làm có kết quả hơn lúc còn đế quốc phong kiến, nhưng chưa đủ. Muốn chống hạn có kết quả, phải học kinh nghiệm của anh em Trung Quốc. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, Trung Quốc dự định phát triển thuỷ nông cho 6 triệu mẫu tây mà mới đến tháng 3 năm 1958, đã làm được 18 triệu mẫu tây. Tỉnh Hà Nam có đến 87 phần trămđất núi, ít sông, ít mưa, luôn luôn bị hạn hán mất mùa. Trước ngày giải phóng, đến mùa hè nhân dân ăn cả vỏ cây, rễ cỏ, chết đói hàng vạn, cho nên có câu ca dao:

Núi trọc như đầu bình vôi

Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng,

Hàng năm hạn hán tai hoang

Người người đói rách, làng làng xác xơ.

Hà Nam lại có nhiều khó khăn: thiếu sức người, thiếu kinh nghiệm, thiếu lương ăn. Nhân dân quen chờ trời Phật. Lại còn khó khăn phải đưa nước ngược lên núi.

Đề ra kế hoạch biến đổi tình hình đói khổ này, các cấp bộ Đảng từ tỉnh đến xã đã ra sức tuyên truyền giáo dục nhân dân tin tưởng sức người thắng được trời. Các cán bộ triệt để tin tưởng vào trí khôn và lực lượng của nông dân. Các cấp lãnh đạo lại thường xuyên điều tra nghiên cứu, đúc kết và phổ biến kinh nghiệm. Nhân dân khi đã hiểu rõ và được tổ chức lại, đều ra sức thi đua thực hiện vượt mức kế hoạch.

Về kỹ thuật, chú trọng tiểu thuỷ nông trước, tiến dần đến trung thuỷ nông và đại thuỷ nông. Mọi người góp sức, góp của, góp kinh nghiệm... quyết thực hiện cho kỳ được "chứa nước mưa, trữ nước sông, moi nước dưới đất lên" và "trồng cây trên núi, vỡ ruộng bậc thang, cải biến chất đất". Nhân dân lại quyết "kéo dài ngày làm việc" bằng cách không lãng phí thì giờ, tranh thủ làm sớm về chậm, làm cả lúc mưa, nắng, rét. Ngày Tết, không phí ngày ăn chơi, nhân dân thực hiện "chúng ta ra ngoài đồng để vừa làm ruộng, vừa chúc Tết nhau cho Tết vui hơn". Kết quả là một mẫu tây từ chỗ thu 7 tạ rưỡi (1949) lên hơn 14 tạ thóc, tổng thu hoạch từ 2 triệu 30 vạn tấn (1949) lên 5 triệu 5 vạn tấn. Kế hoạch dự định cho thuỷ nông là 61 triệu đồng, sau Chính phủ chỉ xuất 19 triệu, còn bao nhiêu đều do nhân dân tự lực góp sức, góp của. Từ tháng 10 năm 1957 đến tháng 1 năm 1958, nhân dân Hà Nam làm được 34 vạn mẫu tây, vượt kế hoạch năm 1957 đến 4 lần.

Được như thế là do đâu? Do nông dân hăng hái và có tổ chức, do cán bộ lãnh đạo tốt.

Ơn Đảng như mẹ như cha,

Mở mang thuỷ lợi, nhà nhà ấm no.

Ấm no không đợi trời cho,

Người làm ra nước, sức to hơn trời.

Công nhân nông trường quốc doanh Trung Quốc đã quyết không xin thêm tiền và vỡ hoang từ 5 triệu đến 6 triệu rưởi mẫu tây, trong khi kế hoạch của Chính phủ là 2 triệu rưởi mẫu tây. Anh em nông binh đi vỡ vùng đại sa mạc toàn cát sỏi, đã lập được 44 nông trường trồng trọt, 16 khu chăn nuôi và 99 công xưởng. Anh em phục viên quyết biến vùng Bắc Đại Hoàng ở Hắc Long Giang nhiều rừng và đất lầy thành kho thóc lớn của Tổ quốc. Các đồng chí nông binh, phục viên Trung Quốc đã không xin Chính phủ cho thêm máy, thêm tiền và đã bắt buộc rừng rậm, đất lầy, bãi cát thành những vùng giàu có.

Đất ruộng ta không xấu. Năng suất 1 mẫu tây từ 13 tạ thóc đã lên bình quân 18 tạ. Có thửa đột xuất đến 62 tạ. Bình quân 1 mẫu tây của xã Hiệp An là 32 tạ. Có kinh nghiệm của anh em Trung Quốc, có kinh nghiệm của bản thân ta, nhất định chúng ta làm được. Gốc của thắng lợi là tổ chức, trước hết là tổ đổi công cho tốt rồi tiến dần lên hợp tác xã nông nghiệp.

Phải phát triển tốt phong trào đổi công và hợp tác; phải thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Các đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải vào tổ đổi công và hợp tác xã, phải là gương mẫu để làm tròn nhiệm vụ của đảng viên và đoàn viên.

Có tổ đổi công và hợp tác xã sẽ nâng cao sản xuất, thì nay có một bát cơm, một cái áo, mai sẽ có hai bát cơm, hai cái áo, như thế là góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nông dân ta đông người nhất, kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất; nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao này, nông dân ta cũng phải là anh hùng.

Chúng ta phải học kinh nghiệm anh em Trung Quốc, thi đua với anh em Trung Quốc, theo kịp anh em Trung Quốc, tiến kịp anh em Liên Xô. Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được. Nông dân ta phải thật sự tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước. Thêm một tấn thóc là thêm một lực lượng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, cho nên nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.

Cuối cùng, chúc các chiến sĩ vui vẻ, khoẻ mạnh, thực hiện tốt những điều đã hứa hẹn hôm nay, đưa phong trào đổi công và hợp tác xã lên bước tiến mới, lên chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

 

       11. Lời chào mừng Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (Đọc ngày 7-7-1958. Báo Nhân Dân, số 1578, ngày 8-7-1958) - (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxbctqg, Xb lần thứ ba, tập 11, tr494)

    Thưa các đồng chí,

Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt chào mừng các anh hùng và chiến sĩ và thân ái gửi lời hỏi thăm những chiến sĩ và những anh chị em lao động chân tay và trí óc các ngành và các nơi đang hăng hái tham gia thi đua yêu nước.

- Ở Đại hội lần thứ nhất có bảy anh hùng, trong đó có bốn Anh hùng quân đội, và 150 Chiến sĩ thi đua. Đại hội lần này, chúng ta có 26 Anh hùng lao động và 69 Anh hùng quân đội và 446 chiến sĩ thay mặt cho hơn 42.700 Chiến sĩ thi đua.

Thế là rất tốt. Con số đó chứng tỏ sự tiến bộ không ngừng của nhân dân ta, quân đội ta, chế độ ta.

- Ở Đại hội này, chúng ta có anh hùng và chiến sĩ lao động chân tay và trí óc đủ các ngành và các dân tộc anh em.

Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ sự đoàn kết chặt chẽ và sự cố gắng toàn diện của nhân dân lao động ta.

- Ở Đại hội này, trong số 26 Anh hùng lao động, có 5 phụ nữ.

Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ sự cố gắng và tiến bộ của phụ nữ ta và chứng tỏ dưới chế độ ta, nam nữ thật sự bình quyền.

- Ở Đại hội này có 6 Anh hùng và nhiều chiến sĩ là đồng bào miền Nam tập kết.

Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ rằng đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết ở đây đang ra sức góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Điều này sẽ có ảnh hưởng rất tốt đến đồng bào ta ở miền Nam.

- Trong hàng ngũ vẻ vang các Chiến sĩ thi đua, có nhiều đồng chí bộ đội phục viên, thương binh và gia đình liệt sĩ.

Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ rằng anh em thương binh và bộ đội phục viên đã tiếp tục và phát triển truyền thống anh dũng trong thời kỳ kháng chiến vào trong công cuộc xây dựng hoà bình và các gia đình liệt sĩ cũng cố gắng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Ở Đại hội này lại có một Anh hùng và nhiều chiến sĩ là người dân các nước anh em lao động ở nước ta.

Thế là rất tốt. Nó chứng tỏ tinh thần quốc tế cao cả của giai cấp lao động.

*

*      *

Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không dại gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ để rồi lại bị chúng áp bức bóc lột thêm.

Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua.

Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta đã làm chủ nước nhà, vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, vì ta được sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc.

Về thi đua yêu nước, trong khuôn khổ và khả năng của chúng ta, chúng ta phải học tập phong trào thi đua của Trung Quốc, cố gắng tiến kịp Trung Quốc, rồi cố gắng tiến kịp Liên Xô.

Hiện nay, ở Liên Xô hầu hết việc làm công nghiệp và nông nghiệp đều làm bằng máy. ở Trung Quốc thì vừa phát triển máy móc, vừa tận dụng sức người. Vì vậy, tôi muốn nêu lên vài kinh nghiệm thi đua ở Trung Quốc để chúng ta nghiên cứu, học tập.

ở Trung Quốc, tất cả các ngành kinh tế và văn hoá đều đang hăng hái thi đua và đã thực hiện khẩu hiệu "nhiều, nhanh, tốt, rẻ". Kế hoạch sản xuất công nghiệp do Chính phủ giao xuống, công nhân đều hoàn thành gấp rưỡi, gấp đôi, mà không xin thêm máy, thêm tiền, thêm người. Nhiều xí nghiệp còn giảm bớt số người chuyển sang xí nghiệp mới.

Trong phong trào thi đua, nhiều chiến sĩ đã cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất đến mức xưa nay chưa từng có.

Có những tiến bộ nhảy vọt đó, một mặt là vì mọi người lao động đều tư tưởng thông suốt, hăng hái thi đua; một mặt là vì sự lãnh đạo thiết thực và toàn diện.

Ở xí nghiệp thì các cán bộ lãnh đạo của chi bộ, của đoàn thanh niên, của công đoàn và giám đốc đều trực tiếp tham gia sản xuất. ở nông thôn thì các đồng chí đó phải tự tay làm ruộng thí nghiệm và trực tiếp tham gia lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, cán bộ vừa lãnh đạo chính trị, vừa lãnh đạo sản xuất một cách chặt chẽ. Cán bộ và quần chúng hoà thành một khối cho nên mọi vấn đề đều giải quyết tốt và nhanh.

Đó là tóm tắt những kinh nghiệm quý báu mà chúng ta cần học tập và áp dụng.

*

*      *

Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi.

Đó là những đức tính cách mạng mà chúng ta cần phải học tập các anh hùng, chiến sĩ thi đua.

Các anh hùng, chiến sĩ thi đua thì cần nhận rõ rằng: Thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích, thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn. Tuyệt đối chớ tự mãn, tự túc. Vì vậy, các anh hùng, chiến sĩ cần phải luôn luôn cố gắng và khiêm tốn.

Các anh hùng và chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dắt dìu, giúp đỡ những người chung quanh mình cùng tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sĩ; anh hùng, chiến sĩ thì cần tiến mãi không ngừng. Như vậy, thì Đại hội lần sau chúng ta sẽ có hàng trăm anh hùng, hàng chục vạn chiến sĩ. Như vậy thì kế hoạch Nhà nước năm nay cũng như kế hoạch 3 năm chắc chắn sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Như vậy, đời sống của nhân dân ta chắc chắn sẽ cải thiện hơn nữa. Như vậy, chúng ta sẽ vững bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và nhất định thắng lợi trong sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Địa chỉ: Phòng 102, Số 35-37 Hồ Hảo Hớn, Phường Cô Giang, Quận 1, Tp.HCM
Điện thoại: (028)38 38 66 01
Email: khoaluat.dhm@ou.edu.vn
Website: http://khoaluat.ou.edu.vn